Những kỹ năng cơ bản để thoát hiểm khi cháy chung cư
Các vụ cháy chung cư thỉnh thoảng vẫn xảy ra, đe dọa mạng sống của nhiều người. Dưới đây là 10 kỹ năng thoát hiểm bạn cần nhớ để bảo toàn mạng sống của mình nếu chung cư bạn ở xảy ra hỏa hoạn.
Khi chung cư bạn ở xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, thời gian thoát thân được tính bằng giây. Nếu chẳng may lâm vào tình huống này, bạn phải giữ bình tĩnh và tỉnh táo áp dụng những phương thức để có thể nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà, đảm bảo tính mạng.
1. Luôn giữ bình tĩnh
Trong các vụ cháy, các nạn nhân tử vong đa số do nguyên nhân ngạt khói. Vì vậy, bình tĩnh là nguyên tắc bạn cần ghi nhớ đầu tiên, tuyệt đối không được hoảng loạn.
Hãy dùng các loại chăn, khăn vải nhúng ướt nước rồi chèn vào các khe cửa. Thao tác này sẽ giúp ngăn khói tràn vào nhà.
Tiếp theo bạn hãy mở các cửa sổ, cửa ban công trong nhà, nhưng nhớ là chỉ mở những cửa ngược hướng với đám cháy. Sau đó, bạn cần tri hô mọi người và đừng quên gọi điện thoại thông báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.
2. Chạy qua lối thoát hiểm
Điều quan trọng là phải xác định được đám cháy xuất phát từ đâu, sau đó dùng khăn nhúng nước ướt trùm lên đầu, cuốn một phần khăn ngang mặt che mũi và miệng để tránh ngạt khói. Nếu nhà bạn đã chuẩn bị sẵn mặt nạ phòng độc thì càng tốt, hãy đeo mặt nạ rồi chạy thoát theo hướng ngược lại với đám cháy.
Khi xác định được đám cháy xuất phát từ tầng trên thì bạn cần chạy xuống phía dưới. Ngược lại, nếu đám cháy xuất phát ở tầng dưới bạn nên chạy lên tầng thượng. Tuy nhiên, trong trường hợp cửa lên tầng thượng tòa nhà bạn ở bị khóa thì bạn không được chạy lên vì có thể bạn sẽ mắc kẹt ở cầu thang.
Nắm vững các kỹ năng thoát hiểm sẽ giúp bạn bảo toàn tính mạng khi xảy ra cháy chung cư. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ |
3. Luôn luôn cúi người thấp nhất có thể
Khói bao giờ cũng bay ở ngang chừng nên bạn cần nhớ không được đứng thẳng mà luôn cúi đầu thấp, khom người khi chạy thoát thân. Với một số vị trí bạn có thể trườn hoặc bò sát sàn nhà.
4. Không nhảy qua cửa sổ
Nếu căn hộ bạn ở nằm ở tầng 1 và có vật đỡ phía dưới, bạn có thể xem xét phương án nhảy qua cửa sổ. Các trường hợp khác, tuyệt đối không được nhảy dù bạn có đang hoảng loạn đến đâu. Khi nhảy qua cửa sổ ở tầng cao, chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
5. Tìm kiếm chỗ thoáng
Đối với trường hợp lửa cháy ở khu vực ngoài hành lang làm cho bạn không có lối thoát ra được, cách duy nhất lúc này là bạn hãy di chuyển đến nơi có không gian rộng hơn, thoáng khí chẳng hạn như ban công. Nhớ đóng kín cửa ban công, chèn khăn ướt để ngăn khói tràn ra.
6. Tìm chỗ ẩn nấp tránh khói
Để tránh bị sặc khói, bạn có thể tự tạo ra một chỗ ẩn nấp ngăn khói tràn vào miệng bằng cách dùng một tấm nệm đã làm ướt, đặt nghiêng một góc 45 độ vào thành ban công, sau đó ngồi dưới khoảng trống mà đệm tạo ra. Nếu khói tràn qua cửa ban công sẽ trượt theo tấm nệm và bay lên trên.
7. Làm thang tự chế để tìm cách trèo xuống
Nếu nhà bạn không có sẵn thang dây dự phòng, bạn hãy dùng chăn, ga, rèm cửa, quần áo có sẵn trong nhà, buộc chặt lại với nhau thành một sợi dây chắc chắn và cẩn trọng bám vào dây để đu xuống bên dưới.
8. Luôn nghe theo lệnh hướng dẫn
Trường hợp có người hướng dẫn thoát hiểm, bạn cần tuân theo. Lúc này, cần trật tự và nhanh chóng di chuyển theo hàng, không hành động bộc phát vì sẽ khiến mọi người thêm hoảng loạn. Đây là lúc rất nguy cấp, thời gian thoát hiểm thậm chí tính bằng giây nên bạn cần bảo toàn tính mạng, không nên tiếc của cố mang theo hoặc quay lại lấy thêm đồ đạc.
9. Tuyệt đối không sử dụng thang máy
Cho dù bạn nhận ra thang máy vẫn đang hoạt động bình thường bạn cũng tuyệt đối không dùng thang để di chuyển. Khi xảy ra hỏa hoạn, lửa sẽ nhanh chóng làm chập nguồn điện, khiến thang máy đột ngột dừng hoạt động và làm bạn mắc kẹt bên trong.
10. Cuốn chăn ướt vào người
Nếu không còn cách nào thoát ra mà buộc phải băng qua lửa mới ra ngoài được, bạn hãy nhúng ướt chăn và quấn xung quanh người, che kín phần tóc và quần áo rồi cố gắng chạy thật nhanh qua chỗ cháy, để lửa không kịp bám vào người. Trường hợp chẳng may bị lửa bén vào quần áo, bạn phải nằm xuống sàn lăn qua lăn lại để dập lửa.
* Những lưu ý nằm lòng
- Nên cùng với gia đình chuẩn bị kế hoạch thoát thân dự phòng, nên tham gia các buổi diễn tập phòng cháy nếu có cơ hội.
- Ghi nhớ thật kỹ các hướng thoát hiểm trong khu nhà mình ở để khi hỏa hoạn xảy ra có thể thoát thân nhanh nhất
- Nếu kịp hãy tìm cách dập tắt ngọn lửa: Dùng bình bột, bình khí Co2, cát, chăn, nước để dập rồi nhanh chóng báo cho mọi người trong nhà biết. Sau đó, hãy ấn máy gọi 114.
- Không cố thu tài sản đem đi, nếu đang chạy thoát cùng người khác, luôn cố gắng đi cùng nhau.
- Nếu nhìn thấy khói bốc lên từ phía dưới cửa tuyệt đối không được mở cửa. Trường hợp không thấy khói, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa để kiểm tra độ nóng. Nếu cánh cửa nóng hoặc rất ấm thì không được mở cửa.
- Luôn giữ đầu ở vị trí thấp vì thực tế cho thấy, đa số mọi người bị nạn do khói và khí độc hơn là do lửa. Trong một số trường hợp, có thể bò sát sàn nhà bằng bàn tay và đầu gối.
- Lăn vòng quanh dưới sàn trong trường hợp quần áo bị cháy
- Trường hợp không thể thoát ngay ra ngoài, bạn cần dùng chăn, ga, quần áo ướt hoặc băng dính chặn các khe hở quanh cửa để khói không vào được nhà.
- Dùng vải nhúng ướt để che miệng
- Cố gắng tham gia giúp đỡ, hỗ trợ người khác bằng mọi cách có thể
(Theo Tuổi trẻ online)